Trần Thuận Gallery

Nữ họa sĩ Trần Thuận: “Tự pha màu đời tôi”

601599_533433306685222_1964423170_nNhững “mảng mầu” trong tranh của Trần Thuận cũng giống như “cái nghiệp” của chị vậy, chân thật, không giấu diếm. “Trần Thuận sử dụng phương pháp thể hiện đồng hiện, không cần đến sự thấu thị trong hội họa. Trong tranh Trần Thuận thấp thoáng tranh mộc bản Nhật Bản và Pop châu Âu. Cái hay của Trần Thuận là chuyển tải theo ý đồ riêng của mình trong màu nước”- “Họa sĩ bồi bàn” với “kiểu vẽ” nổi tiếng bằng ngón tay ở xứ  sở sương mù Đà Lạt Võ Trịnh Biện cảm nhận.

Sinh ra và lớn lên trên dải đất duyên hải miền Trung huyện Phù Cát, Bình Định, giữa cái thời hàn vi nghèo khó – năm 1965, Trần Thuận là người con gái hiếm hoi ở xứ này được theo học chữ. Trên sân trường những chiều tan học, cô bé Thuận lại cùng chúng bạn hí hoáy những bức họa nguệch ngoạc, hồn nhiên. Bởi theo chị, bút chì và giấy thời đó là cực kỳ xa xỉ. Những nét “chấm phá” thô mộc tự nhiên đó đã theo chị suốt dòng đời…

This slideshow requires JavaScript.


Ngoài trời, Đà Lạt vẫn bàng bạc màu mưa vắt qua đầu những rặng thông. Ngọn gió cao nguyên hoang hoải trườn qua phía sườn đồi. Lũ chim đang gọi nhau di trú. Tranh thủ gõ bàn phím lên Google tìm cái tên “Họa sĩ Trần Thuận”. Thật lẻ loi. Có lẽ, đó là sự mộc mạc, quên màu son phấn của cô gái miền trung. Dù gì, trong cái không gian khoan thai của Đà Lạt lúc này đang “đồng hiện” một cái tên Trần Thuận.

Chị nói, mình đến với tranh mầu nước bằng sự “mai mối” của nghề kiếm cơm. Năm 1997, chị rời quê vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp với vỏn vẹn năm mươi ngàn đồng trong túi. Đơn độc nơi đất khách, chị đi phỏng vấn và được nhận vào bộ phận thiết kế mẫu (vẽ bằng tay) để in trên vải hoa của một công ty may mặc Hàn Quốc.

“Khi không còn làm ở đây nữa, năm 2005, mình tự mày mò nghiên cứu về kỹ thuật vẽ màu nước. Và mảng mầu nước nó níu lấy mình”- Trần Thuận bộc bạch.

Tranh màu nước không chỉ đòi hỏi tính nghệ thuật của hội họa, mà cực kỳ khắt khe với cách pha màu, sự kiên nhẫn, tỷ mẫn khi cầm cọ vẽ. Không được đào tạo chính quy, chị tự tìm tài liệu, lang thang qua các tiệm tranh khắp ngỏ hẻm Sài thành để bồi bổ kiến thức cho mình. Chạm mốc tuổi bốn mươi, người con gái có cái tên “cứng cỏi” đó đã bật khóc, khi tác phẩm vẽ hoa bằng màu nước đầu tay có vị khách nâng niu, mua lại. “Đó là điểm mốc tuyệt vời, ăn hằn trong cuộc đời mà mình không bao giờ quên”- họa sĩ Trần Thuận nói.

Giờ đây, trong không gian của News and New Art café, tại 70, Trương Công Định, Đà Lạt (Lâm Đồng), “Giai điệu màu nước”, chủ đề cuộc triển lãm tranh Họa sĩ Trần Thuận, hơn 20 tác phẩm về hoa và thiếu nữ Việt, được chọn trong gia tài hơn một ngàn bức vẽ của mình… lần đầu tiên giới thiệu với công chúng. Chúng ta có thể hoài niệm, chiêm nghiệm với tác phẩm Vươn lên, Che chở; nuột nà, đằm thắm với E ấp, Che chung; tĩnh lặng với Hạnh phúc, Yên bình… Những tác phẩm mầu nước triển lãm lần này, Trần Thuận đã thể hiện được sự tối ưu của phương pháp vẽ bằng air brush phối hợp với cọ vẽ (cọ chuyên dụng màu nước làm bằng lông chồn), nên tranh của Trần Thuận mềm mại về hình thể và uyển chuyển về màu sắc. – Họa sĩ “nhất dương chỉ” Võ Trịnh Biện nói.

Trần Thuận cho hay, lý do chọn Đà Lạt để làm triển lãm đầu tiên… vì mình bị không gian và hoa Đà Lạt mê hoặc. Sau triển lãm này (đến 14-1-2013), chắc chắn mình sẽ lang thang xứ sở ngàn hoa này để “trả nợ” bộ tác phẩm bốn mùa hoa Dã quỳ.

Ngoài sự “giao bôi” sáng tạo giữa cách vẽ màu nước và air brush trên nền giấy chuyên dụng, Trần Thuận còn tung tẩy, biến tấu với phương pháp dùng hóa chất và các chất liệu khác, như cao su, sáp, muối ăn… trong sáng tác để tạo sự mới lạ cho tác phẩm của mình.

Chị thổ lộ, tranh mầu nước cần phải vẽ liên tục, không được dừng tay cho đến khi hoàn thành tác phẩm. Đặc biệt, ngay cả người vẽ cũng không thể sao chép lại chính bức tranh của mình chuẩn xác quá 80%. Có lẽ, phần còn lại… theo Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Lâm Đồng Phạm Quốc Ca, xem tranh của Trần Thuận ta cảm được chiều sâu tâm thức, sự tinh tế trong từng họa tiết.

“Khi tôi vung nước màu trên tranh, giống như tôi tự pha màu cho cuộc sống của chính mình. Tôi nâng niu những tác phẩm đó như cách thể hiện chính con người tôi. Vệt thời gian in trên khuôn mặt những thăng trầm, còn những thăng trầm, còn những vệt màu giữ lại cho tôi những dấu ấn của cuộc đời… Nó là món quà tuyệt vời của cuộc sống, để tạo nên chính tôi bây giờ”, họa sĩ Trần Thuận “thả lòng” trong chiều Đà Lạt mùa trở gió.

*trích báo:baomoi.com

* Trần Thuận Gallery

One thought on “Trần Thuận Gallery

  1. Cám ơn CUNG TƠ CHIỀU với Gallery tranh màu nước của Trần Thuận cùng chung Studio họa sĩ Vũ Trọng Thuấn. sắp xếp và dàn dựng tỉ mỉ và đầy đủ rất hay! làm Thuận này bất ngờ quá… cám ơn anh Phong nhiều và rất nha!

Leave a comment